Hứa Kiệt vẫn đến chậm một bước. Nhìn cửa thành Thiên Thủy trấn đóng chặt, trên thành cắm lá quân kỳ xa lạ, mày hắn không khỏi nhíu chặt lại.
Binh pháp có câu: "Thập tắc vi chi, ngũ tắc công chi, bội tắc phân chi, địch tắc năng chiến chi, thiểu tắc năng đào chi, bất nhược tắc năng tị chi." (Mười thì vây, năm thì công, gấp đôi thì chia, địch thì có thể chiến, ít thì có thể chạy, không bằng thì có thể tránh).
Là một lão tướng chinh chiến sa trường, Hứa Kiệt đương nhiên hiểu rõ đạo lý này. Hiện tại dưới trướng hắn chỉ có hơn năm ngàn người, dựa vào ngần ấy binh lực, nếu là chiến trận nơi bình nguyên, hắn tự tin không thua bất kỳ đội quân nào dưới vạn người. Nhưng công thành lại là chuyện khác, ngần ấy nhân số còn chưa đủ, nhất là trong tình huống không biết rõ quân số của đối phương.
Từ trước đến nay, trong tình huống có binh lực nhất định trấn thủ, cưỡng ép công thành mà thành công là chuyện hiếm thấy.
Công thành chiến thường dựa vào nội ứng, trước tiên phải cho một đội nhân mã tinh nhuệ lẻn vào trong thành, đến lúc công thành thì tạo ra hỗn loạn, ví dụ như phóng hỏa đốt kho lương thảo, hoặc tiến công vào phủ đệ của các nhân vật chủ chốt, hay tìm cách đoạt lấy quyền kiểm soát cổng thành để thả quân ta tiến vào.